Người Xạ Phang hay Hạ Phương là một cộng đồng dân tộc thiểu số ở Việt Nam có số dân chỉ khoảng hơn 2.000 người, di trú từ Trung Quốc vào đầu thập niên 60 của thế kỉ XX. Người Xạ Phang ở Mường Chà sống chủ yếu ở hai bản: Thèn Pả và Huổi Lèng. Tại bản Thèn Pả, Người Xạ Phang nơi đây vẫn giữ được nghề thêu giày truyền thống với nhiều nét độc đáo.
Bên cạnh trang phục truyền thống thì người Xạ Phang luôn coi trọng đôi giày thêu của họ bởi chúng có nhiều giá trị cả về văn hóa tinh thần lẫn thực tiễn sử dụng.
Đôi giày (tiếng Xạ Phang là
liển hài) do những người phụ nữ tự khâu và thêu cho các thành viên trong gia đình sử dụng và tích lũy dùng dần. Ngoài ra, người Xạ Phang còn làm ra những đôi giày chuyên biệt bán cho người Mông dùng để niệm theo người chết.
Ngay từ khi còn rất bé, các bé gái đã được xem các bà, các mẹ làm giày thêu truyền thống. Vì vậy, có thể nói hình ảnh các bà, các mẹ thêu giày và các công đoạn làm giày thêu đã ngấm vào máu thịt của mỗi người Xạ Phang như một lẽ tự nhiên. Đến khi khoảng 10 – 12 tuổi, các bé gái người Xạ Phang đã được các bà, các mẹ, các chị hướng dẫn việc may vá, thêu thùa, làm các đồ dùng sinh hoạt và trang phục cá nhân. Công việc này không chỉ là một nét đẹp văn hóa mà còn là điều chứng tỏ sự khéo léo, con mắt thẩm mĩ của mỗi người phụ nữ Xạ Phang.
Những nguyên liệu chính để chế tác một đôi giày gồm có: vải, mo tre, chỉ khâu, chỉ thêu, keo dán, giấy bản và kèm theo các dụng cụ như: kéo, dao nhỏ, kim khâu, kim thêu, cục sáp ong khô. Vải để khâu đế giày và thân giày phải là loại vải dày, dai, có độ bền (thường dùng vải dệt thủ công của người Thái). Chỉ khâu được làm từ vỏ một loại cây rừng (cây Mà), là loại sợi săn chắc, dẻo, dai, ít thấm nước.
Đối với loại keo dán đế giày được người Xạ Phang làm ra từ củ của một loại cây rừng (cây Mùa Rỉ). Chỉ thêu hoa văn trên giày phải là loại chỉ tự nhiên với khá nhiều màu sắc, đa số là những màu sắc sặc sỡ. Chỉ này thường được người Xạ Phang mua sẵn. Để làm đế giày, người thợ lấy mo tre già, khô, mang về phơi, ép phẳng, cắt theo hình bàn chân và khâu thành đế giày. Mỗi đế giày thường được ghép khoảng 2 đến 5 lớp mo, mỗi lớp bọc một lần vải dày và dai để tạo độ dày dặn, cứng cáp, đảm bảo bền chắc.
Các lớp mo được dán với nhau bởi một lớp keo tự làm của người Xạ Phang. Các lớp mo tre làm đế giày được khâu chắc chắn với nhau bằng những sợi chỉ khâu đã được trà qua sáp ong khô để chống thấm nước. Mặt dưới của đế giày được lót bằng vải trắng; mặt trong được lót bằng một lớp vải màu tùy theo ý thích của người chế tác và được khâu chắc chắn với đế giày. Nhờ đó, giày thêu của Xạ Phang bền và chắc, có thể sử dụng được lâu dài.
Thân giày được cắt định hình từ vải trắng, mặt ngoài của thân giày được táp một lớp vải màu làm nền thêu trang trí các mảng hoa văn sặc sỡ. Hoa văn được thêu dàn trải đều khắp trên thân, không có điểm nhấn chính. Điểm thu hút chính trên đôi giày nam là hai mảng hoa văn khác nhau, mảng thân ôm quanh gót và mảng từ mu bàn chân sang hai bên và đến đầu các ngón. Trên thân giày, người Xạ Phang khéo léo tạo thêm nút cài bằng vải phía trên mu bàn chân giúp người đi giày dễ dàng cài hoặc tháo khi sử dụng.
Hoa văn được thêu trên cả giày nam và nữ. Các hoa văn thường là hình hoa lá cách điệu, thực vật thân leo, một số hoa văn hình học như ô trám lồng, zích zắc, sóng lượn, răng cưa…
Nghề làm giày thêu của người Hoa Xạ Phang được thực hành, trao truyền trong gia đình, cộng đồng không chỉ đơn thuần là truyền dạy tri thức, kỹ năng nghề nghiệp mà còn ẩn chứa những thông điệp nhân văn sâu sắc về lối sống tích cực, chăm chỉ, tính nhẫn nại, kiên trì của người Xạ Phang, nó chính là các yếu tố nội sinh để đến nay di sản đang được giữ gìn, bảo tồn và có tác động tích cực đến việc giáo dục thế hệ trẻ, góp phần gắn kết cộng đồng, bảo tồn những tinh hoa văn hóa dân tộc.
Chính vì những giá trị tiêu biểu trên, nghề làm giày thêu của người Xạ Phang được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 829/QĐ-BVHTTDL ngày 09/3/2021./.