Năm tháng vô tình trôi mãi
có hay bao mùa lá rơi
Thầy đã đến như muôn ngàn tia nắng
sáng soi bước em trong cuộc đời
Thời gian cứ lặng lẽ trôi đi, cuộc sống vẫn cứ tiếp diễn với vòng quay của trái đất trong sự hối hả, xô bồ vô tình cuốn chúng ta vào guồng quay của nó bởi những lo toan cơm áo gạo tiền, hòa cùng dòng người đang nghiêng mình trong nhịp thở vội vã của xã hội giống như con thuyền chở bao ký ức kỉ niệm vượt sóng đi về khơi xa. Để rồi bất chợt trên con đường ta đi ẩn hiện thấp thoáng bóng dáng những cô cậu học trò đang tung tăng đến trường khoác trên mình chiếc áo đồng phục gắn logo trường THPT Mường Chà - một cái tên về một ngôi trường rất đỗi thân quen mà ta đã vô tình quên lãng, thời gian ơi người hãy dừng lại một chút cho ta ngoảnh lại để cơn gió quá khứ chợt ùa về, giống như 1 cuốn phim chiếu chậm, cận cảnh , rõ nét mà quá đỗi quen thuộc biết bao kỉ niệm đẹp dưới mái trường và những thày cô nơi ấy, của cái tuổi mộng mơ qua những trang lưu bút, qua những quyển sổ hồng, mấy ai còn nhớ hay đã quên? Đó cũng chính là quãng thời gian khó quên nhất trong cuộc đời mỗi con người chúng ta.
Trong ký ức tuổi học trò của tôi, những năm tháng học tập dưới mái trường THPT Mường Chà đã lưu giữ biết bao kỷ niệm đẹp và trong trẻo nhất.
Tôi vào trường trong một buổi chiều mùa thu trong tiết trời se se lạnh, những tia nắng còn sót lại của mùa hè đang chiếu rọi trên những tán lá phượng đang đung đưa trước gió, bước đi trên sân trường đầy nắng, thả suy nghĩ của mình bay theo nàn gió, tôi đang nhìn lại tất cả những hình ảnh dù là nhỏ nhất về ngôi tường. Từng lớp học, từng góc sân đầy ắp những kỉ niệm, kí ức về ngày đầu tiên tôi bước chân vào trường đang ùa về với tôi. Ngôi trường của tôi đã được tô điểm bởi những hàng cây xanh mướt, với 1 dãy lớp học mới xây màu vàng lấp lánh.
Khó có thể quên đi những ngày đầu tiên bước vào lớp mới lớp 10a5 làm quen những người bạn mới, phải dần làm quen với một sự thay đổi thực sự khi phải rời xa những gì đã quá quen thuộc đến nỗi như một phần của cuộc sống. Rồi với bản tính nghịch ngợm không chịu ngồi yên, tôi cũng nhanh chóng hòa đồng với những người bạn mới của mình, một cô giáo chủ nhiệm mới ra trường, một l cậu lớp trưởng chịu thương chịu khó, chăm ngoan còn tôi một bí thư dễ gần nhưng cũng rất đánh đá xong đầy tinh thần trách nhiệm,hay bạn Thanh sẹo hài hước hóm hỉnh, bạn Hải thêm với những trò quậy phá tưng bừng, cùng bạn Chinh ú xinh xinh, bạn loan đen duyên ấy và cả bạn hiên hiền hậu luôn ngồi cùng bàn với tôi. Và những lần trốn tiết đi chơi để rồi ghi dấu ấn tên mình trong cuốn sổ ghi đầu bài cùng những người đồng hành tuyệt vời, luôn sát cánh bên tôi trên con đường học tập. Nhưng để nói tôi của ngày hôm nay, thì thầy cô mới là những người đã có công lớn nhất. Tôi vẫn nhớ cô Phúc – cô giáo chủ nhiệm kì 1 của lớp tôi , giờ đây cô đã công tác dưới mái trường khác nhưng cô vẫn mãi là cô giáo của chúng em, cô Thành dạy sử, cô Hà dạy văn, cô Tâm dạy toán, thày Quyết thể dục……………
Có lẽ vào khoảnh khắc cuối cùng của thời học sinh là khoảnh khắc đẹp đẽ nhất, ấn tượng nhất của tôi dưới mái trường này với 29 thành viên trong ngôi nhà nhỏ thân thương mang tên 12C2. Để có hành trang và tri thức bước vào cuộc sống thầy cô đã cùng chúng tôi lặn lội vượt khó khăn gian khổ để đi về biển cả tri thức ấy. Vâng cô Thùy- cô giáo dạy sử của chúng tôi đã phải vượt thời gian quay về quá khứ để cho chúng tôi hiểu hơn những biến cố thăng trầm của lịch sử nước ta qua những trang sử hào hùng, chói lọi. Chúng tôi được đưa đến những vùng đất mới, với biết bao điều kì thú về thiên nhiên, về phong tục và truyền thống lâu đời của những con người qua môn Địa của thầy Quân. Được khám phá những tính chất, định lý toán học của cô Thăng; giờ vật lý của thầy Tuấn, những thí nghiệm hóa học “nổ tung” của thầy Hiền, hay giờ sinh học của cô Tuyến. Có lẽ cảm giác mạnh và thú vị nhất khi được
“vượt thác sông Đà” , và lần cùng “
Mị trốn khỏi nhà Thống Lí Trá Pa” trong giờ văn của thầy Trần Cường đem lại cho tôi nhiều cảm xúc lắng đọng nhất, cùngvới đó những lời phê vô cùng hóm hỉnh của thầy nhưng là lời khích lệ động viên tôi lựa chọn những môn học làm hành trang để tôi bước tới cánh cửa đại học hằng mơ ước. Những người thầy người cô năm ấy như những người cha, người mẹ thứ hai dạy dỗ chúng tôi thành người. Nếu nói thầy cô là những người lái đò đưa học sinh qua sông, thì những người thầy cô trường tôi là những người lái đò xuất sắc nhất. Những con người luôn tận tuỵ suốt những năm tháng ấy đã dìu dắt chúng tôi đến bến bờ tri thức, để bây giờ mỗi khi nhớ lại là biết bao cung bậc, những cảm xúc khó tả biết chừng nào… Tuy tất cả giờ đây đã mãi xa vời nhưng những ký ức trong tôi vẫn luôn còn mãi, hiện hữu như chỉ vừa mới hôm qua.
Ảnh: Lễ Khai giảng năm học 2009-2010 Ngôi trường THPT Mường Chà , nơi ươm những ước mơ, nơi để lại biết bao nhiêu là kỷ niệm vui, buồn của thời áo trắng - một thời để nhớ một thời để thương. Mỗi bước đi của trường tôi ngày hôm nay đều có dấu ấn của những thầy cô giáo thế hệ đầu tiên, các thầy cô vẫn âm thầm cống hiến để xây dựng một ngôi trường hiện đại, có chất lượng, có uy tín với học sinh, phụ huynh và tiếp nối thế hệ đầu tiên, trường tôi ngày hôm nay có các thầy cô giáo trẻ, năng động, nhiệt tình và trên hết là một tình yêu nghề, yêu trường say sưa. Mỗi một cá nhân trong trường là một mảnh ghép nhiều sắc màu, đa dạng và đa tính cách. Người
“nghệ sĩ” đã sắp xếp, gọt rũa kì công những mảnh ghép đó để tạo ra một bức tranh hoàn hảo mang tên
Trường THPT Mường Chà là cô hiệu trưởng Đặng Kim Liên. Ở cô em luôn nhận thấy sự cẩn thận, khoa học, trong công việc nhưng cũng rất vui vẻ, hóm hỉnh ngoài đời, một tư duy sắc sảo, đổi mới trong giáo dục và một trái tim luôn say mê truyền cảm hứng cho những thày cô khác.
Tôi nhớ mái trường ấy. Tôi nhớ cái lớp học nơi góc hành lang lớp nhìn ra nơi để xe. Và nhớ cả những tiết học quân sự với những buổi tập bắn súng đầy vất vả. Từng phòng học lúc nào cũng vang lên lời giảng ân cần của thầy cô, tiếng phát biểu dõng dạc trước lớp hay tiếng cười nói hồn nhiên, trong sáng của những bạn học sinh. Sân trường rộng rãi thoáng mát nhờ những hàng phượng chạy dọc theo hành lang trường xuống sân tập thể dục. Nhớ lắm những kỉ niệm buồn vui, những lúc bạn bè sát cánh bên nhau, giúp đỡ nhau vượt qua trong học tập và cả những tình yêu ” chớm nở”, những rung động đầu đời, những cảm xúc ngây ngô, vụng dại của tuổi mộng mơ, tình yêu thời ” cắp sách “ để rồi giờ đây cùng nhau kể chuyện buổi học ngày hôm đó và cười vang cả một góc trường, về kỉ niệm hai kì thi quan trọng của năm ấy , về cái ngày phải chia xa.
Ảnh: Lễ kỉ niệm ngày nhà giáo Việt Nam 20/11/2008 Xã hội ngày càng phát triển, nền giáo dục luôn được đổi mới đòi hỏi những điều khắt khe hơn đối với người làm nghề giáo nhưng cùng đòi hỏi người thầy người cô đưa đò từng lớp từng thế hệ qua sông phải giữ đực nhiệt huyết, đạo đức nghề nghiệp hơn để không bị cuốn vào sự thay đổi chóng mặt của thời đại. Vẫn còn đâu đó có những việc tiêu cực trong ngành giáo dục, những bài học đắt giá cho nhân phẩm và tư cách người thầy người cô. Nhưng trên hết vẫn sáng ngời hình ảnh những thầy cô giáo giản dị , ngày ngày đứng trên bục giảng, thắp lên ngọn lửa của tri thức và tình yêu đối với các em học sinh.
Giờ đây, khi đã trưởng thành ở cái tuổi 24 phải bươn trải với cuộc sống, phải đi làm xa, xa quê hương, xa gia đình, thì mỗi lần có dịp được trở về thăm lại mái trường xưa, cảm xúc trong tôi vẫn như vẹn nguyên.
Thầy cô ơi ! dù mai này trên đường đời có khó khăn, gian nan, có phải trải qua bao chông gai thử thách em cũng sẽ vượt qua, bởi lẽ chỉ có thế mới đáp lại những gì mà thầy cô đã truyền đạt kiến thức làm hành trang để em bước vào đời…Xin dành tình cảm tốt đẹp nhất, những lời tri ân nồng thắm nhất dành tặng đến những người thầy, người cô đã cùng em đi qua những năm tháng đẹp nhất của tuổi học trò …
“ Một dòng đời – một dòng sông
Mấy ai là kẻ đứng trông bến bờ
Muốn qua sông phải có đò
Dường như muốn bước phải nhờ người đưa…
Tháng năm dầu dãi nắng mưa
Con đò tri thức thầy đưa bao người
Qua sông gửi lại nụ cười
Tình yêu em gửi lại người thầy thân thương
Con đò mộc, mái đầu sương
Theo em đi khắp muôn phương mai này
Khúc sông ấy vẫn ngày ngày
Thầy đưa những chuyến đò đầy qua sông…”