THPTMUONGCHA

PHƯƠNG PHÁP ÔN TẬP VÀ LÀM BÀI KIỂM TRA CUỐI KÌ ĐẠT KẾT QUẢ CAO

Chủ nhật - 13/12/2015 22:55
Trong những đợt ôn tập kiểm tra cuối kì, việc học tập diễn ra rất căng thẳng. Làm sao để có thể ôn tập tốt nhất? Đó là câu hỏi lớn cho nhiều em học sinh. Có nhiều bí quyết để đạt kết quả cao trong các đợt ôn tập và kiểm tra. Một trong những bí quyết không thể bỏ qua là: Phương pháp và cách thức ôn tập
Học sinh nhà trường thảo luận, trao đổi bài.
Học sinh nhà trường thảo luận, trao đổi bài.
            Kì thi kết thúc học kì I năm học 2015- 2016 đang đến gần. Làm cách nào để đạt được kết quả cao trong đợt kiểm tra sắp tới. Thiết nghĩ  chăm chỉ, tập trung ôn tâp, làm đề cương là chưa đủ. Chúng ta cần phải có một phương pháp ôn tập phù hợp, đó là yếu tố rất quan trọng để việc ôn tập hiệu quả. Chính vì thế, các thầy cô giáo sẽ chia sẻ với các em những kinh nghiệm, phương pháp ôn tập hợp lí, khoa học. Những kinh nghiệm đó chắc chắn sẽ giúp ích các em trong quá trình học tập và ôn luyện.
          Thầy giáo Trần Tam Thức về phương pháp ôn tập môn Toán.
Theo thầy Trần Tam Thức điều đầu tiên cần chú ý là những tiết ôn tập thời gian này, các em cần có mặt để tiếp thu kiến thức. Đa phần các em cũng cảm thấy ngại môn Toán. Nhưng nếu ngồi trong lớp các em tập trung nghe giảng, chép bài để hiểu bài ngay tại lớp là rất quan trọng  nó sẽ hơn cả việc các em về nhà bỏ ra rất nhiều thời gian để tự học .

        Điều thứ 2, ở nhà các em cần đọc lại các ví dụ mà thầy cô chữa trên lớp và làm các bài tương tự. Đó là cách tự học,tự rèn luyện môn toán tốt nhất. Bên cạnh đó các em cần phải hệ thống được toàn bộ các kiến thức quan trọng bằng một cách nào đó mà em dễ nhớ, dễ hiểu nhất. Những kiến thức đó sẽ giúp ích các em trong quá trình vận dụng làm các bài tập.
       1/ Với các em là học sinh khối 10, cần lưu ý những vẫn đề sau: Kiến thức của kỳ I tập trung chủ yếu là: Bài toán về tập hợp số; Bài toán về hàm số ( tập xác định, vẽ đồ thị hàm số...); Bài toán giải phương trình chứa căn; áp dụng định lí viet; bài toán về vec tơ và tọa độ; bất đẳng thức. Trong đó bài toán về tập hợp số, tập xác định, vẽ đồ thị , các em cần hạn chế sai sót, bởi đó là bài đơn giản. Còn các bài toán khác các em cần ôn kỹ những kiến thức mà thầy cô ôn tập .
      2/ Với các em học sinh lớp 11, thì kiến thức cơ bản vả trọng tâm của kỳ I, là các phần:Lượng giác; tổ hợp, xác suất; phép biến hình; bài toán giao điểm, giao tuyến, quan hệ song song; các bài toán liên quan đến dãy số. Có thể nói phần kiến thức 11 là nặng nhất trong 3 khối học. Nhưng các em cần làm tốt ở các bài giải phương trình lượng giác; phần tổ hợp, xác suất, hạn chế các sai sót. Về tổng thể đề thi chỉ có, 2 đến 3 điểm dành cho các em khá, giỏi. Nên các phần khác các em cũng tập trung ôn kỹ như giáo viên đã dạy ở trên lớp.
      3/ Còn với các em khối 12, các em càng phài tập trung ôn tập cho thật tốt. Bởi lẽ điểm số của các em còn liên quan tới việc xét tốt nghiệp. Phần kiến thức trọng tâm 12 tập trung trong 3 chương của kỳ I: Khảo sát, vẽ đồ thị hàm số và các bài toán liên quan; Phương trình mũ, loogarit; thể tích khối đa diện. Có thể nói cả 3 phần này đều nằm trong nội dung của các kỳ thi về sau. Các em cần làm thật tốt bài toán khảo sát, vẽ đồ thị hàm số, các bài toán liên quan. Các bài giải phương trình mũ, loogarit các em cần học kỹ các ví dụ mẫu. Chủ yếu là đưa về cùng cơ số, và biến đổi. Riêng phần thể tích khối đa diện, đầu tiên các em phải vẽ đúng hình, xác định rõ đường cao, nhớ được diện tích các hình đặc biệt , biết xét tam giác vuông nào để tính chiều cao. Như vậy đã là rất tốt rồi, còn việc tìm ra đáp số cuối cùng như thế nào, còn phụ thuộc vào việc ôn tập của các em.

     Ảnh minh họa: Tiết học môn Ngữ Văn

        Về phương pháp và kinh nghệm ôn tập môn văn, Cô Cao Thị Liễu chia sẻ
        Trong những năm gần đây, đề thi môn văn có 2 phần: Đọc -  hiểu và phần làm văn. Phương pháp ôn tập và cách làm bài là khác nhau
Ở Phần đọc – hiểu
      1. HS phải nắm chắc các kiến thức sau : Các biện pháp tu tù; Các phương thức biểu đạt; Các phong cách ngôn ngữ; Các thao tác lập luận….
       2.Xác định  được các dạng câu hỏi:
Nhận diện các phong cách văn bản; yêu cầu xác định nội dung, chủ đề, tóm tắt ý chính của một đoạn văn cho trước; chỉ ra các phương thức biểu đạt, các biện pháp nghệ thuật đặc sắc và tác dụng của biện pháp đó trong một hoặc hai đoạn văn, thơ cho sẵn. Đáng chú ý, phần đọc hiểu, ngữ liệu của đề thi có thể nằm ngoài văn bản sách giáo khoa.
      3.Cách làm bài   
Phần này, thường có nhiều câu hỏi nhỏ, hs cần trình bày mạch lạc, gắn gọn theo yêu cầu cụ thể của từng câu, tránh viết dài, lan man.
       Ở Phần làm văn.
     
1.Đối với tác phẩm thơ
Các em phải biết cách phân tích, cảm nhận thơ, về mặt hình thức, nghệ thuật trên các khía cạnh sau: thể loại, từ ngữ hay, đắt, độc đáo, có giá trị thẩm mĩ, hình ảnh thơ tiêu biểu, giàu ý nghĩa, hiệp vần, phối thanh, ngắt nhịp, giá trị của các biện pháp tu từ, giọng điệu, lời thơ....biết soi xét, đối chiếu để làm nổi bật điểm giống nhau và khác nhau, biết lồng ghép, hòa quyện giữa nội dung và hình thức trong quá trình phân tích, cảm nhận.
    2.Đối với tác phẩm văn xuôi
     - Các em phải biết cách phân tích, bài văn đi đúng trọng tâm, lập luận, diễn đạt mạch lạc, chặt chẽ và biết vận dụng, sáng tạo
     - Tránh viết “tràng giang đại hải”, nặng về kể lể, thuyết minh, thiếu đi khả năng khái quát, xâu chuỗi các luận điểm, luận cứ cùng với cách bình luận, đánh giá .
    3.Đối với kiểu bài Nghị luận xã hội
    - Để làm tốt đề nghị luận xã hội, ngoài việc rèn luyện kĩ năng, lập luận, các em cần cập nhật, siêng năng đọc, nghe, thu thập tài liệu, số liệu trên các phương tiện thông tin đại chúng, báo, đài..., giúp cho bài viết có thêm những luận cứ  phong phú, xác đáng, thuyết phục.
    - Câu này, đề thi thường giới hạn số lượng chữ từ 400 đến 600 chữ, khoảng 1 trang rưỡi giấy thi,  thí sinh không nên viết vượt quá nhiều so với giới hạn.  Về bố cục, kết cấu, thí sinh nhất thiết phải viết thành một bài văn hoàn chỉnh, có mở bài - thân bài - kết bài. Nhiều thí sinh lâu nay có thói quen chỉ viết 1 đoạn văn thì không đảm bảo về cấu trúc
    Các em HS thân mến!
     Môn văn mà môn “nhiều chữ”, lượng kiến thức lớn, muốn viết văn hay bản thân người viết phải có năng lực cảm thụ và khả năng sự dụng ngôn ngữ. Vậy chưa viết được văn hay thì trước hết hãy viết sao cho đúng. Muốn đúng để có được điểm thì bài viết cần có nội dung rõ ràng. Vì thế việc ôn tập cần tập trung vào nhiệm vụ củng cố, tái hiện kiến thức. Việc sơ đồ hóa kiến thức là phương pháp ôn tập môn văn hữu hựu nhất. Nên tránh trường hợp cầm văn mẫu để học thuộc mà bản thân người học không hiểu được nội dung bài đó viết gì.
    Lời khuyên của các thầy cô dạy văn là:
   - Năm được kiến thức trọng tâm (Nội dung; nghệ thuật) của tác phẩm.
   - Linh hoạt, khéo léo trong sử dụng ngôn ngữ, cần diễn đạt trong sáng, dễ đọc, dễ hiểu.
  - Phải biết tham khảo có chọn lọc những tài liệu tham khảo. Cần đọc để hiểu, hiểu để vận dụng, vận dụng để sáng tạo. Đó là cách thức để đưa quan điểm của mình vào bài viết của người khác.
  
      Ảnh: thầy Đỗ Quế Chuyên trong tiết dạy môn Lịch sử     

 Về phương pháp ôn tập môn Lịch sử, thầy Đỗ Quế Chuyên chia sẻ
      1. Trong quá trình ôn tập: 
     - Trước tiên cần bám sát nội dung chuẩn kiến thức (Có trong vở ghi) và sách giáo khoa bởi vì đây là hai tài liệu cơ bản nhất.
     - Tiếp đó là không nên học tủ mà phải học lần lượt theo từng vấn đề. 
     - Không cần thiết phải học thuộc vì nếu học thuộc lòng từng câu từng chữ thì không bao giờ có thể nhớ hết được.
     - Trong quá trình ôn tập, nên học theo các dạng bài sẽ dễ nhớ, dễ hiểu. 
     2. Phương pháp làm bài: 
     - Không được chủ quan , cần đọc kĩ câu hỏi, phân tích và hiểu chính xác yêu cầu của câu hỏi. Một câu hỏi chặt chẽ sẽ không có từ nào là “thừa”. Vì thế, phải đọc hết và hiểu chính xác từng chữ trong câu hỏi. Đọc kĩ câu hỏi để xác định thời gian, không gian, nội dung lịch sử và yêu cầu của câu hỏi (trình bày, so sánh, giải thích, phân tích…)
     - Vạch đề cương sơ lược trên giấy nháp. Việc này không những giúp cho các em không bị mất ý lớn, bỏ sót điều quan trọng mà còn tạo thành trình tự mạch lạc. 
     - Phân phối thời gian làm bài hợp lý cho từng câu hỏi cũng là yếu tố quan trọng.. Không nhất thiết phải làm theo cấu trúc của đề thi mà câu nào dễ làm trước, khó làm sau, trả lời thẳng vào vấn đề, không vòng vo tam quốc, hết sức tránh tình trạng làm một số câu quá dài, quá kỹ, nhưng bỏ trống những câu còn lại. Cần dành ít phút để kiểm tra lại bài làm, chỉnh sửa câu cú, chính tả...
    - Trình bày bài thi cũng là một khâu rất quan trọng, không phải ai cũng viết được chữ đẹp, câu hay, nhưng hãy cố gắng viết cho rõ ràng, đúng câu, đúng chính tả, đừng dùng từ sáo rỗng, dài dòng, đừng viết tắt.
  - Trong trường hợp lãng quên một số chi tiết nhỏ nào đó, ví dụ như ngày tháng, địa điểm, tên nhân vật, số liệu cụ thể… thì có thể bỏ qua, hoặc để trống một số ký tự để khi nhớ ra sẽ điền vào sau. Tuyệt đối không suy nghĩ quá lâu, gây mất thời gian không cần thiết.
  - Hết sức tập trung tư tưởng vào việc làm bài, không nên mất thời gian vào những việc không liên quan
Trên đây là một vài kinh nghiệm nhỏ khi học và làm bài thi môn Lịch sử. Chúc các em đạt kết quả cao trong kì thi sắp tới.


      Ảnh minh họa.

       Còn với môn Địa lí thì cách thức ôn tập ra sao? Cô giáo Lò Thị Viên chia sẻ kinh nghiệm ôn tập như sau:
       Môn địa lí thuộc môn học xã hội nhưng khi thi và kiểm tra lại có 50% số điểm là kĩ năng bài tập, nên khi ôn thi các em hs không những chỉ học thuộc lí thuyết theo giới hạn mà cần phải có đủ các kĩ năng làm bài tập như: kĩ năng tính toán xử lí số liệu, kĩ năng vẽ và nhận xét biểu đồ, kĩ năng nhận xét phân tích bảng số liệu và bản đồ hình ảnh, đối với các em lớp 12 phải có thêm cả kĩ năng khai thác và sử dụng Át lát,. Để làm tốt các kĩ năng trên các em cần lưu ý một số đặc điểm sau:
      1/ Đối với kĩ năng Át lát địa lí VN: các em nên tuân theo 4 bước như sau:
Bước 1: Đọc và nhớ các ký hiệu chung (trang đầu)
Bước 2: Xác định câu hỏi và tìm trang át lát cần khai thác cho phù hợp với nội dung câu hỏi
Bước 3: Gắn câu hỏi lên các đối tượng trong trang át lát, nhận xét, nêu và phân tích từ khái quát đến cụ thể, chứng minh..sao cho phù hợp với nội dung câu hỏi bài ra.
Bước 4: Tùy mức câu hỏi dễ hay khó để phân tích nhận xét trang át lát, có thể dùng kết hợp một hoặc nhiều trang át lát để trả lời câu hỏi bài ra,..nếu cần thiết phải chứng minh bằng số liệu, giải thích hoặc xem xét các mối liên quan với các đối tượng  địa lý khác.
     2/ Đối với kĩ năng biểu đồ: Các em cần đọc kĩ đề bài xác định dạng biểu đồ và thao tác vẽ cẩn thận, xem số liệu cần vẽ đã xử lý hoặc cần phải  xử lý trước khi vẽ sau đó thao tác vẽ từng bước cẩn thận.
Khi vẽ xong các em phải ghi đầy đủ thông tin về biểu đồ như số liệu, đơn vị và tên biểu đồ.
    3 /Đối với kĩ năng nhận xét phân tích bảng số liệu:  Để nhận xét bảng số liệu, trước tiên ta không được bỏ sót một thông tin nào vì giống như một bài toán nếu thiếu 1 dữ kiện ta sẽ nhận xét thiếu.
Trong quá trình nhận xét ta phải dùng những từ chốt trong bài nhận xét: Chênh lệch, tăng hay giảm.....nếu là đơn vị % theo thành phần dung từ tỉ lệ, tỉ trọng,..cơ cấu,.
Khi nhận xét nên đi từ nhận xét chung đến nhận xét riêng từng đối tượng
 Nhận xét theo hàng ngang và theo hang dọc.
Nếu có nhiều đối tượng thì ta so sánh với nhau.
     Các em HS thân mến Trên đây là một vài kinh nghiệm mà các thầy cô chia sẽ, mỗi môn học sẽ có phương pháp ôn tập riêng. Vì thế các em có thể hỏi kinh nghiệm ôn tập qua các thầy cô bộ môn dạy lớp mình.
       Học tập là cả một quá trình tích lũy kiến thức. Các kì thi sẽ là thước đo để đánh giá quá trình học tập, rèn luyện của các em. Nó sẽ phản ánh đúng ý thức học tập của học sinh. Ôn tập thời gian trước kiểm tra được coi là giai đoạn nước rút, vì thế các em cần phải tập trung toàn lực trong thời gian này.:
Trước hết cần có thời gian biểu ôn tập hợp lí. Phân thời gian ôn tập giữa các môn cần hài hòa, không nên tập trung quá vào môn này mà bỏ qua môn kia.
     Thời gian để ôn tập cũng rất quan trọng: trong không gian ồn ào, nhiều yếu tố chi phối thì nên ôn các môn rèn kĩ năng như làm bài tập, dành thời gian để trao đổi bài...với các môn học thuộc cần có không gian yên tĩnh: nên ôn vào lúc đêm khuya hoặc sáng sớm.
     Tự làm đề cương ôn tập là rất cần thiết, bởi trong quá trình làm đề cương bản thân các em đã tự hệ thống, tự ôn tập vì thế kiến thức nhớ sẽ lâu và sâu.
    Luôn xác định quan điểm ôn tâp: học phải đi đôi với hành tức là nhớ lý thuyết thì phải áp dụng làm bài tập ngay; khi đã học thuộc bài thì cần có cách thức kiểm chứng: như truy bài với bạn hoặc tự ghi lại ra       giấy..
      Bên cạnh đó các em cần giữ cho mình một sức khỏe thật tốt.Sức khỏe tốt mới có tinh thần và tâm lí tốt để ôn tập và làm bài đạt kết quả cao. Khi ngồi trong phòng thi, các em phải có một tâm lí thoải mái. Khi nhận đề, các em cần đọc kỹ đề một lượt, đọc tất cả các câu. Chọn câu dễ nhất làm trước, và cứ như thế cho đến câu mà em cho là khó nhất. Nhớ rằng các em không được bỏ trắng câu nào, bởi trong câu khó, các em vẫn có thể lấy được 0,25 điểm đấy.
          Hi vọng với những kinh nghiệm các thầy cô chia sẻ, các em HS sẽ có phương pháp ôn tập hữu hiệu nhât. Chúc các em ôn tập và làm bài thi đạt kết quả cao! Xin cám ơn các thầy cô giáo chia se những kinh nghiệm quý báu. Cám ơn các em HS đã cùng lắng nghe/

Tác giả: BAN GIÁM HIỆU

Nguồn tin: thptmuongcha.edu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản mới

63/ KH-THPTMC

Kế hoạch chiến lược phát triển nhà trường giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2030

Thời gian đăng: 30/09/2023

lượt xem: 641 | lượt tải:67

248/ KH-THPTMC

Kế hoạch chiến lược phát triển nhà trường giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2030

Thời gian đăng: 06/02/2023

lượt xem: 1511 | lượt tải:390
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập111
  • Máy chủ tìm kiếm52
  • Khách viếng thăm59
  • Hôm nay27,710
  • Tháng hiện tại441,879
  • Tổng lượt truy cập34,464,710
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi