Trường THPT Mường Chàhttps://thptmuongcha.edu.vn/uploads/logo.png
Thứ ba - 02/02/2016 04:35
Tết của người Mông được coi là ngày hội lớn nhất là thời điểm để đẻ ngơi, vui chơi và kiếm tìm bạn tình...
Tết của người Mông được coi là ngày hội lớn nhất, nên hầu hết mọi người chuẩn bị cho những ngày tết rất chu đáo, cẩn thận. Họ coi ngày tết không chỉ là ngày nghỉ ngơi, ăn uống mà còn là ngày tụ họp, gặp gỡ gia đình, đón người thân đi công tác, làm ăn xa trở về nhà. Tết là ngày của người sống,người chết gặp nhau nên con cháu làm lễ cúng viếng tổ tiên, chào mừng ngày âm dương giao hòa rất công phu.Người Mông cầu mong cho mọi sự được bình an, tốt đẹp thể hiện ngay trong mâm cỗ ngày tết cùng những bộ áo váy lộng lẫy. Cũng giống như bao dân tộc khác, dân tộc Mông cũng có những món ăn đăc sắc tượng trưng cho Lễ tết rất riêng. Bánh dày được coi là thứ không thể thiếu trong ngày tết, thiếu gì thì thiếu chứ riêng bánh dày nhất thiết phải có. Người Mông coi bánh dày là biểu tượng của mặt trăng, mặt trời, ngọn nguồn, khởi thủy cho sự tồn tại của vạn vật. Bánh dày thường được chế biến bằng gạo nếp nương thơm, lựa chọn cẩn thận, đem nấu chín rồi đổ ra cối gỗ hình máng và giã ngay khi còn nóng song ngày nay cùng với sự phát triển của khoa học kĩ thuật thì đã có máy say bánh.
Ảnh: Giã bánh dày
Ảnh: Làm bánh dày
Đối với những gia đình dùng cối gỗ để giã thì phải chuẩn bị thêm hai chày để đập. Thông thường gia đình nào không có vẫn phải đi mượn về làm bánh thờ cúng tổ tiên. Để giã được bánh dẻo và nhuyễn thì người Mông chủ yếu chọn những nam thanh niên khỏe mạnh, bởi công việc đòi hòi sức khỏe, sự dẻo giai và cả kĩ thuật. Khi giã nhuyễn, phụ nữ đổ bột bánh ra chiếc mẹt đã tráng lòng trắng trứng gà cho khỏi dính rồi nặn thành những chiếc bánh. Mỗi gia đình thường làm từ 20-50 cái để ăn dần, cũng như làm quà cho những người đến chúc tết. Bánh có thể để được lâu ăn dần nhưng về lâu rất cứng và có thể dễ bị mốc, khi ăn người ta cắt nhỏ chiếc bánh ra. Bốn chiếc bánh đầu tiên gia chủ cất để cúng tổ tiên, tiếp theo chia cho người già, trẻ con cùng thưởng thức. Trong ngày tết của người Mông cũng không thể thiếu thịt gà, thịt lợn và rượu. Người Mông quan niệm không có con gà thì không ai gọi thần mặt trời dậy, trời đất tối tăm mãi. Cho nên, khi cúng, người Mông cắt tiết gà ngay tại bàn thờ, nhưng đây phải là con gà trống rồi nhổ một ít lông gà nhúng vào tiết dán lên những tờ giấy dán trên bàn thờ. Sau đó mới đem gà đi làm cơm cúng.Ngoài ra họ còn mổ thêm 4 đến 5 con gà khác.
Ảnh: Mâm cỗ tết của người Mông
Dịp tết được coi là ngày vô cùng quan trọng nên hầu hết nhà nhà đều mổ những con lợn rất to để tiếp đón anh em, họ hàng, láng giềng và làm tròn nghĩa vụ với tổ tiên,thần linh. Phần thịt nạc có thể ăn hết trong những ngày tết nhưng riêng phần mỡ thì người Mông cắt ra thành từng miếng dài ướp muối treo lên gác bếp cho mùa nương rẫy không có thức ăn. Vào 3 ngày đầu của năm mới người Mông chỉ toàn ăn thịt, đến sau ngày mùng 3, rau và canh mới xuất hiện trong bữa cơm. Bởi bà con quan niệm, ăn rau trong những ngày này thì cả năm sẽ khó làm ăn, trồng cây hay bị mất mùa, rồi ăn cơm chan canh hay gặp mưa to khi đang đi làm. Đồ uống chủ yếu trong những ngày vui tết là rượu có thể là rượu ngô cũng có thể là rượu gạo còn bia rất ít. Người Mông cho rằng uống rượu trong ngày tết là một trong những cách thể hiện tình cảm của gia đình với anh em, láng giềng, bằng hữu. Rượu như có sợi dây vô hình ràng buộc tình yêu thương khăng khít, trong lòng mọi người trào dâng lời hay, ý đẹp, nói lên được những điều mới mẻ, ý nghĩa thấm sâu và hào hứng mà những lúc khác không có rượu chưa nói được với nhau. Ngoài ẩm thực cứ mỗi dịp tết đến xuân về người Mông lại xúng xính trong những bộ trang phục lộng lẫy, đầy màu sắc. Từ những chiếc váy hoa dệt thổ cẩm bằng tay đến những chiếc váy trắng tinh của sự thuần khiết. Người Mông có tín ngưỡng đa thần: ‘ Vạn vật hữu linh” cho nên trang phục ngoài việc giữ ấm và làm đẹp, còn bao hàm ý nghĩa tâm linh sâu sắc. Với quan niệm ngày Lễ tết mà mặc đồ cũ sẽ xui xẻo cả năm nên mọi nhà đều cố gắng để có được những bộ áo váy đẹp có sức lôi cuốn và phải chuẩn bị trước đó rất lâu. Trang phục cũng là dấu hiệu cơ bản giúp nhận biết các nhóm người Mông với nhau ( Mông đỏ, Mông trắng, Mông đen, Mông xanh). Khác với những người phụ nữ, trang phục của nam giới thường ít màu sắc hơn chủ yếu là tông màu đen ngoài ra còn trang trí thêm một số họa tiết hoa văn thể hiện sức mạnh của phái mài râu.
Ảnh:Trang phục người Mông
Song điều được đón chờ nhất trong những ngày lễ tết của người Mông chính là hội du xuân vui chơi tết, không chỉ có các bạn trẻ hầu hết tất cả mọi người từ người già cho đến những em bé đều rất háo hức mong đến ngày mùng 3 tết để đi vui hội gặp gỡ ném quả pao với nhau. Thời gian vui hội thường kéo dài đến ngày mùng 10 hoặc lâu hơn tùy từng nơi. Mọi người tập trung tại những khu đất rộng của bản, để chơi các trò chơi dân gian và ca hát.Đây là dịp để trẻ em vui chơi, người già gặp gỡ, ôn lại chuyện cũ, còn các đôi trai gái thì tâm sự, tìm hiểu rồi kết duyên với nhau.
Ảnh: Vui tết, vui xuân
Lễ tết của người Mông rất đa dạng và phong phú với những làn điệu dân ca cổ truyền, những phong tục lễ nghi hết sức độc đáo mang một nét riêng Tây bắc để lại trong lòng người bao kỉ niệm khó quên.