Trong 30 câu dễ, có 16 câu học sinh có thể bấm máy tính cầm tay để tìm ra ngay kết quả.
Đề thi thể hiện tính phân hóa tốt khi có đầy đủ các câu hỏi ở 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao.
Các câu hỏi được thiết kế theo một ma trận có mức độ từ nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp, vận dụng cao. Mỗi nội dung kiến thức đều được hỏi các mức độ từ dễ đến khó, có vận dụng kiến thức toán vào các bài toán thực tế. Hình thức hỏi đa dạng.
Điều thấy rõ nhất là toàn bộ kiến thức trong đề thi chỉ gọn trong kiến thức lớp 12. Các nội dung trong chương trình 12 được rải đều, hỏi rất chi tiết, sâu sắc với nhiều ý tưởng lẫn kiến thức khác nhau. Đây là điều đối lập hoàn toàn với hình thức tự luận.
Xóa bỏ hình thức học tủ
Đề thi trắc nghiệm năm nay của Bộ hoàn toàn xóa bỏ hình thức học tủ vốn tồn tại lâu nay, điều này sẽ loại trừ được những học sinh học vẹt hoặc không nắm được kiến thức căn bản một cách vững vàng.
Kiến thức trong đề thi minh họa bao phủ gần như mọi “ngóc ngách” trong sách giáo khoa. Trong đề thi, có nhiều dạng bài và phần kiến thức ít được đề cập đến trong đề thi tự luận như: phần kiến thức về mặt cầu, mặt trụ, mặt nón, các dạng toán cơ bản về mũ và logarit (tìm tập xác định, tính đạo hàm…).
Thậm chí, những câu hỏi mà trước nay thi tự luận không thể ra được nay để “nhường đất” cho những bài toán truyền thống thì với hình thức thi trắc nghiệm năm nay đã tận dụng được một số bài toán có liên hệ thực tế như lãi suất, cắt tôn…
Không chỉ có phần bài tập, trong đề thi có thêm câu hỏi lý thuyết như công thức tính vật thể tròn xoay, tính chất của logarit… Nếu không hiểu bản chất và kiến thức cơ bản, học sinh khó có thể làm những câu hỏi này.
Những bài công thức lý thuyết theo kiểu như thể tích khối tròn xoay ứng dụng tích phân, trước đây chỉ mang tính chất để vận dụng giải bài toán thì giờ đây được đưa vào làm luôn câu hỏi ở mức độ nhận biết.
Ở các câu hỏi này, yêu cầu đề không khó nhưng đòi hỏi học sinh phải có hiểu biết căn bản, có năng lực vận dụng toán tốt thì mới giải quyết được.
Nhìn chung khả năng có thể "khoanh bừa" để trúng đáp án là không cao. Vẫn có một số câu như tính tích phân thì học sinh có thể không cần giải mà chỉ tận dụng việc bấm máy tính bỏ túi để tìm ra được đáp án.
Thú vị với những câu hỏi thực tế
Dù kiến thức trong đề thi chỉ thuộc chương trình lớp 12 nhưng phạm vi kiến thức trải rộng khắp chương trình. Có những vấn đề các năm trước chưa bao giờ đề cập thì xuất hiện trong đề năm nay, vì vậy học sinh không thể học lơ mơ hoặc tập trung vào một số vấn đề.
Phần khảo sát hàm số, học sinh chú ý đến kiến thức về tính chất đơn điệu và cực trị của hàm số. Riêng phần mũ log, học sinh phải nắm vững công thức vì trong 8 câu của phần này Bộ chỉ cho một câu để học sinh có thể sử dụng máy tính tìm ra đáp án đúng.
Đề thi có sự phân hóa tuy nhiên về hình thức câu dẫn không phải của câu hỏi trắc nghiệm mà của bài toán tự luận.
Đặc biệt, kỹ thuật ra đề thi đã loại trừ rất nhiều những câu hỏi có thể sử dụng thủ thuật, mẹo tính loại trừ. Các câu hỏi kiểm tra được kỹ năng vận dụng kiến thức đã học để giải toán.
Các câu hỏi không quá khó nhưng do thời gian giải mỗi câu chỉ khoảng 108s nên yêu cầu học sinh phải phát huy tối đa khả năng tư duy, nhận diện câu hỏi và nắm chắc bản chất kiến thức để giải quyết tốt các câu hỏi và kịp thời gian làm bài.
Với 4 câu hỏi thực tiễn (10, 21, 24, 40) khiến cho đề thi Toán trở nên thú vị, gần gũi hơn với học sinh, không còn quá hàn lâm. Từ đó giúp việc học Toán của học sinh và giảng dạy của thầy cô cũng sẽ sinh động, thiết thực hơn.
>>> Bài gốc: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/de-thi-minh-hoa-mon-toan-dap-ung-duoc-tinh-chat-cua-ky-thi-2-trong-1-2398086-v.html
Tác giả: Tổ Toán Trường THPT Mường Chà
Nguồn tin: giaoducthoidai.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn