Trường THPT Mường Chàhttps://thptmuongcha.edu.vn/uploads/logo.png
Thứ ba - 15/03/2016 13:31
Làm thế nào để chọn cho mình một nghề phù hợp? Một câu hỏi lớn nhưng không phải là không có lời giải.
Với các em HS, nhất là HS lớp 12, một mùa tuyển sinh nữa lại sắp đến,giờ đây là thời điểm quan trọng, thời điểm quyết định tương lai mình sẽ ra sao.Tốt nghiệp xong các em phải chọn cho mình 1 nghề, và chọn được cho mình 1 nghề chính là chọn cho mình 1 tương lai. Vì vậy việc chọn nghề là thực sự quan trọng và vô cùng cần thiết. Chọn sai lầm 1 nghề chính là đặt cho mình 1 tương lai không thật sự an toàn và vững chắc. Không phải ai cũng có thể trả lời được câu hỏi: Làm thế nào để chọnđược 1 nghề phù hợp? Có lẽ ai trong chúng ta khi bắt đầu lựa chọn 1 nghề cho mình cũng đều nghĩ suy và trăn trở rằng: Mình có phù hợp với nghề này haykhông? Mình có thực sự yêu thích nghề này hay không? Hay nghề này có tương lai gì không? Để tránh được sai lầm trong việc lựa chọn ngành nghề và xác định được nên học ngành gì, thi trường nào, không chỉ để trúng tuyển mà còn có 1 tương lai tốt, trước hết bạn phải xác định các bước tiến trong nghề nghiệp hoặc loại công việc trọng tâm, rồi tự mình đề ra cách thực hiện. Thực ra, hành trình này không bao giờ kết thúc bởi vì công việc, tự nó luôn có sự thay đổi, phát triển và làm mới. Hãy nhớ rằng, quyết định những mục tiêu cho sự nghiệp của bạn không phải là một công việc nhanh chóng chỉ cần mất một vài giờ.Đó là một quá trình lâu dài. Bạn có thể quyết định lĩnh vực mà mình muốn theo đuổi và sau đó, trong một vài tháng tới, có những quyết định cụ thể hơn. Muốn vậy, các em phải: 1. Xác định sở thích của mình. Trong cuộc sống hàng ngày, những công việc nào khiến bạn vui vẻ? Trên lớp bạn thích học những môn học nào? Nếu bây giờ cho bạn làm một việc tuỳ thích, cái đầu tiên bạn nghĩ đến là gì? Vì sao nó thu hút bạn? Liệt kê ra những hoạt động khiến bạn thích thú trong hai năm vừa rồi.Bạn sẽ tự khám phá được những điều thú vị về bản thân mình. 2. Xác định sở trường của mình Giờ đây bạn đã biết bạn thích làm gì và nó liên quan thế nào đến những nhóm ngành nghề khác nhau. Bạn cần phải làm rõ khả năng của mình. Hãy lập một danh sách những ưu thế nổi trội của bạn. Bạn học khá những môn học nào? 3. Xác định quan niệm và nguyên tắc về cuộc sống của mình Quan niệm và nguyên tắc sống có ảnh hưởng sâu sắc tới sự thoả mãn của bạn với nghề nghiệp đã chọn. Bạn có quan trọng việc phải sống ở một nơi cố định? Bạn có luôn hướng tới sự mạo hiểm? Bạn có thường quan tâm tới những người xung quanh không?… Hãy lập ra một bảng kê cho chính mình nhé! 4. Nghiên cứu kỹ lưỡng về các nghề nghiệp. Tìm hiểu những yếu tố mà từng nghề nghiệp hấp dẫn bạn, như trình độ học vấn cần thiết, mức lương bổng, điều kiện làm việc, triển vọng và nhiều thứ khác nữa…Ghi ra những nghề nghiệp bạn thấy thích thú và phù hợp. 5. So sánh khả năng và sở thích của em với những nghề nghiệp các em vừa lựa chọn. Nghề nào thích hợp nhất với khả năng, sở thích, cá tính của mình? Có thể đó chính là nghề nghiệp dành cho mình 6. Xác định mục tiêu nghề nghiệp. Em đã lựa chọn nghề nghiệp nào phù hợp nhất với mình. Giờ có thể xác định mục tiêu lớn em muốn đạt tới trong nghề nghiệp đó và bắt đầu một kế hoạch để thực hiện. 7. Chọn trường,ngành học phù hợp với mục tiêu nghề nghiệp và học lực. 8. Tham khảo ý kiến, đánh giá của gia đình và bạn bè về tính thực tế trong kế hoạch của bạn. Xem xét các yếu tố liên quan khác như khả năng tài chính của gia đình để trang trải việc học tập. Điều này là rấ tquan trọng. Và em cũng phải xác định cả những khó khăn và thuận lợi khi theo học. Cuối cùng khi không còn điểm gì vướng mắc em nữa , hãy dán kế hoạch của em lên tường và bắt đầu nỗ lực thực hiện nó từ ngày hôm nay.
Ảnh minh họa (St)
Tuy nhiên cũng có những nguyên nhân dẫn đến việc chọn nghề không tính đến những dấu hiệu của sự phù hợp. Loại nguyên nhân thứ nhất thuộc “thái độ không đúng”, còn loại nguyên nhân thứ hai do thiếu hiểu biết về các nghề. Dưới đây là một số nguyên nhân đó: 1.Nhiều người cho rằng nghề thợ thấp kém hơn kỹ sư, giáo viên THCS thua kép giáo viên THPT… Thực ra mỗi nghề (hay đúng hơn là mỗi chuyên môn đó) có những bậc thang tay nghề của nó. Một số bạn đã coi nhẹ công việc của người thợ, của thầy giáo cấp I, của cô y tá, chỉ coi trọng công việc của thầy giáo dạy ở bậc trung học hoặc đại học, bác sĩ… Chính vì thế mà chỉ định hướng vào những nghề có sự đào tạo bậc đại học. 2. Thành kiến với một số nghề trong xã hội, chẳng hạn, coi lao động chân tay là nghề thấp hèn,chê nhiều công việc dịch vụ là không “thanh lịch”, v.v… Thường thường, những bạn này không thấy hết ý nghĩa của yếu tố lao động nghề nghiệp, đóng góp của nghề với xã hội. Đã là nghề được xã hội thừa nhận thì không thể nói đến sự cao sang hay thấp hèn được. Các em cứ mường tượng thế này: một bác sĩ giỏi cũng không thể tự mình làm mọi khâu trong 1 ca phẫu thuật. Một thợ cắt tóc rất khéovẫn không thể tự cắt tóc cho chính mình thật đẹp. Còn 1 kĩ sư cầu đường, 1 nhà thiết kế tên tuổi nếu không cộng tác với nhiều thợ giỏi – công nhân lành nghề chắc tác phẩm của các vị ấy vẫn mãi là bản vẽ trên giấy mà thôi. Và Bác Hồ đã động viên rất đúng:” Tất cả các nghề, nghề nào cũng cao quý” 3. Một nguyên nhân nữa dẫn đến việc chọn nghề chưa phù hợp là quá dựa dẫm vào ý kiến người khác,không độc lập việc quyết định chọn nghề. Vì thế đã có nhiều bạn chọn nghề theo ý muốn của cha mẹ, theo ý thích của người lớn, theo lời rủ rê của bạn bè. Cách chọn nghề này đã dẫn đến nhiều trường hợp chán nghề vì không phù hợp. 4. Khi lựa chon nghề nghiệp các em cũng hay bị hấp dẫn bởi vẻ ngoài của nghề, thiếu hiểu biết nội dung lao động của nghề đó. Ví dụ, như với các nghề diễn viên điện ảnh, dẫn chương trình, người mẫu thời trang… rất hấp dẫn với các bạn trẻ, nhưng để thạo nghề thì phải rèn luyện gian khổ, vì vậy cũng dễ gây chọn nghề nhầm lẫn đối với ai chỉ thích vẻ hào hoa bề nổi của nghề đó. Hoặc nhiều bạn thích đi đây đi đó nên chọn nghề thăm dò địa chất, khi vào nghề, thấy công việc của mình gắn vớirừng núi, quanh năm phải tiến hành công việc khảo sát, ít có dịp tiếp xúc với cuộc sống thành thị, thiếu điều kiện để giao lưu văn hóa và khoa học, do đó tỏ ra chán nghề. Có người chỉ tin vào quảng cáo của các cơ sở đào tạo mà chọn nghề vào học cũng sẽ dễ chán trường, chán nghề. 5.Có 1 sai lầm nữa là các em cho rằng đạt thành tích cao trong việc học tập một môn văn hóa nào đó là làm được nghề cần đến tri thức của môn đó. Ví dụ, có người học giỏi môn văn đã chọn nghề làm phóng viên báo chí. Đúng là nghề này cần đến người viết văn hay, diễn đạt tư tưởng rành mạch. Song, nếu không nhanh nhẹn, tháo vát, năng động, dám xông xáo… thì không thể theo đuổi nghề này được. Sai lầm ở đây là dokhông thấy rằng năng lực đối với môn học chỉ là điều kiện cần, chứ chưa là điều kiện đủ để theo đuổi nghề mình thích. 6. có bạn cho rằng học xong cấp I là đủ kiến thức để xin vào học nghề tại các trường dạy nghề. Có bạn lại nghĩ, với vốn liếng lớp 12, mình học ở trường nghề nào mà chẳng được. Thực ra, nghề nghiệp luôn thay đổi nội dung, phương pháp,tính chất lao động của nó. Người lao động không luôn luôn học hỏi, trau dồi năng lực thì khó có thể đáp ứng với yêu cầu về năng suất và hiệu quả lao động. 7. Không đánh giá đúng năng lực lao động của bản thân nên lúng túng trong khi chọn nghề. Do đó,có hai tình trạng thường gặp: hoặc đánh giá quá cao năng lực của mình, hoặc đánh giá không đúng mức và không tin vào bản thân. Cả hai trường hợp đều dẫn đến hậu quả không hay: Nếu đánh giá quá cao khi vào nghề sẽ vấp phải tình trạng chủ quan ban đầu, thất vọng lúc cuối. Còn nếu đánh giá quá thấp, chúng ta sẽ không dám chọn những nghề mà đáng ra là nên chọn. Có trường hợp ngộ nhận mình có năng khiếu về nghề hấp dẫn, thời thượng mà chọn nghề, khi vào nghề gặp thất bại sẽ chán nản.
Ảnh minh họa (St)
Chọn nghề phù hợp đòi hỏi nhiều yêu cầu khác nhau nhưng nếu thực hiện được bước đầu những yêu cầu trên thì việc chọn nghề sẽ giảm bớt được nửa sự cảm tính, sự tổn hao của cá nhân trong xã hội.Quan trọng nhất là người chọn nghề tự tin thoải mái và chắc nịch tuyên bố ngầm rằng: Mình sẽ và phải làm tốt lựa chọn của mình bởi sự phù hợp chỉ là lý thuyết nếu như cá nhân chọn nghề không tích cực hoạt động và trải nghiệm. Không thể có sự phù hợp khi chọn nghề nếu như cá nhân không biết định hướng và không có ýchí. Có thể nói, ai cũng có một khả năng đặc biệt giúp cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn nếu biết phát hiện và phát huy đúng cách.