[banner]
[block1]
[block2]
[QUANGCAO1]
[QUANGCAO2]
[QUANGCAO3]
[QUANGCAO4]

Vẻ đẹp người phụ nữ Việt Nam hiện đại

Thứ hai - 07/03/2016 03:04
Vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam trở thành cảm hứng và in đậm dấu ấn trong thơ ca, âm nhạc, hội họa, điêu khắc… và mãi bất tử với thời gian. Họ đã góp phần làm nên vẻ đẹp của văn hoá dân tộc.
Ảnh minh họa (St)
Ảnh minh họa (St)
        Biểu thị cho cái đẹp nhân loại là hình ảnh người phụ nữ. Vẻ đẹp thẩm mĩ của người phụ nữ chịu sự chi phối bởi quan điểm của thời đại, xã hội. Trong xã hội phong kiến, người phụ nữ được đánh giá là đẹp khi hội tụ đủ tam tòng, tứ đức. Theo quan niệm cũ, tam tòng tứ đức là thước đo phẩm giá của người phụ nữ:
Tứ đức: bao gồm công - dung - ngôn - hạnh
      1. Công: nữ công, gia chánh phải khéo léo. Tuy nhiên các nghề với phụ nữ ngày xưa chủ yếu chỉ là maythêudệtbếp núcbuôn bán, với người phụ nữ giỏi thì có thêm cầm kỳ thi họa.
      2. Dung: dáng người đàn bà phải hòa nhã, gọn gàng, biết tôn trọng hình thức bản thân
      3. Ngôn: lời ăn tiếng nói khoan thai, dịu dàng, mềm mỏng
      4. Hạnh: Tính nết hiền thảo, trong nhà thì nết na, kính trên nhường dưới, chiều chồng thương con, ăn ở tốt với anh em họ nhà chồng. Ra ngoài thì nhu mì chín chắn, không hợm hĩnh, cay nghiệt.
          Bên cạnh tứ đức, người phụ nữ phải đảm bảo tam tòng mới được đánh giá là chính chuyên, đức hạnh. Tam tòng tức: tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử. Nghĩa là ở nhà phải theo cha mẹ, lấy chồng theo chồng, chồng chết phải theo con.
         Theo sự phát triển của xã hội, ngày nay, một số phạm trù đạo đức mà Nho gia đặt ra cần được chúng ta xem xét lại. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách toàn diện, những tư tưởng, những giá trị đạo đức mà Khổng Tử đưa ra cách đây hàng ngàn năm, đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự.
         Thứ nhất, bàn về Tam tòng:
        “Tại gia tòng phụ”: người phụ nữ khi còn ở nhà phải theo cha. Cuộc sống hiện đại người ta khuyến khích biện pháp giáo dục theo kiểu đối thoại, nghĩa là ngoài việc nghe theo những sự răn dạy, chỉ bảo của bố mẹ, con cái cũng có thể tranh luận và bảo vệ ý kiến của mình nếu giữ được bình tĩnh và sự tôn trọng. Như vây, “tại gia tòng phụ” trong thời hiện đại chỉ có ý nghĩa tương đối mà thôi.
        “Xuất giá tòng phu”: lúc lấy chồng phải theo chồng. Thời đại văn minh không cho phép đàn ông năm thê bảy thiếp. Người phụ nữ lại có quyền tự do lựa chọn ý trung nhân. “Theo chồng” không còn là chuyện do cha mẹ xếp đặt hay gượng ép, mà là một việc tự nguyện. Và khi đã tự chọn cho mình một người bạn đồng hành, thì không riêng gì phái nữ, mà cả phái nam cũng nên đặt hết tâm trí mình vào đoạn đường chung của hai người. Như vậy, hình ảnh đi theo người mình yêu mới thật sự là một hình ảnh đẹp.
         Nhiều người sẽ dễ dàng nghĩ rằng “phu tử tòng tử” là chuyện hoang đường trong một xã hội hiện đại. Thật ra, chỉ cần nghĩ rộng thêm một chút thì đây lại là một quan niệm sống đáng được đề cao. Hai chữ “tòng tử” không nhất thiết phải được hiểu là “nghe theo lời người con trai”, mà có thể được hiểu theo một hướng khác. Theo con, chăm sóc, lo lắng, và đùm bọc cho con là thiên chức của người làm mẹ. Một khi người phụ nữ quyết định bước lên ngôi vị người mẹ thì thiên chức ấy đã gắn liền với cuộc đời người phụ nữ, từ khi người con còn trong lòng mẹ, đến khi ra đời, lớn khôn, trưởng thành, thì nỗi lo toan của người mẹ mới may ra bớt đi được phần nào. Sự ưu tư của các bà mẹ lại càng lớn hơn nữa khi thiếu vắng vai trò người cha trong gia đình. Có thể là người chồng đã chết (theo đúng như hai chữ “phu tử”), hoặc cũng có thể là đã ly hôn, hay xa hơn, chưa bao giờ có vai trò người chồng trong cuộc sống của một số phụ nữ. Trong những hoàn cảnh này, người mẹ phải gánh vác thêm vai trò người cha, để bảo đảm một cuộc sống đầy đủ tình thương lẫn vật chất cho người con. Như vậy thì phải chăng việc “tòng tử” đã trở nên tối cần thiết sau khi “phu tử”?
        Thứ hai, bàn về Tứ đức
        Trước hết, Công ở người phụ nữ không thể chỉ hiểu và dừng lại bởi sự khéo léo về nữ công gia chánh, đảm đang nội trợ, chăm lo gia đình, mà Công còn là có óc tổ chức, lãnh đạo, quản lý xã hội, cuộc sống gia đình hạnh phúc, nuôi dạy con cái ngoan, khoẻ, học giỏi, có kinh nghiệm trong quản lý kinh tế, tài chính trong gia đình, câu noi:“Của chồng, công vợ” đã nói lên vai trò của người phụ nữ trong gia đình. Ngoài ra, họ còn phải là người lao động giỏi, học tập có trình độ, có tri thức, có kỷ năng tay nghề cao. Chúng ta thường đánh giá biểu dương, tôn vinh phụ nữ ngày nay “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, biết sắp xếp giải quyết hợp lý giữa cái công và cái tư, đảm đang mọi việc trong ngoài, trên dưới, trước sau vẹn toàn, điều đó để nói lên tài năng của người phụ nữ tự tin, thành đạt. Ông bà ta xưa có câu: Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” triết lý này đúng với mọi thời đại. Thật vậy, Công của người phụ nữ lớn lao biết nhường nào.

                        Ảnh minh họa (St)

Dung ở người phụ nữ cũng là nhân tố nổi trội, Dung là vẻ đẹp hình thể kết hợp với vẻ đẹp tâm hồn, mặc dù “Cái nết đánh chết cái đẹp” cái nội dung bản chất bên trong quyết định. Nhưng về mặt hình thể do yếu tố di truyền hay do tạo hóa ban tặng người phụ nữ luôn đẹp. Tuy nhiên, nếu để cho hoàn mỹ thì người phụ nữ phải chăm chút duyên dáng bên ngoài như ăn mặc đẹp “Người đẹp vì lụa” với tâm hồn cao đẹp thì thật sự có cái đẹp hoàn thiện. Vẻ đẹp hình thể hiện nay không phải là “Yểu điệu thục nữ”, “Hoa nhường nguyệt thẹn”, “Chim sa cá lặn” mà còn là khoẻ về thể chất, như vậy khỏe là yếu tố cơ bản. Khoẻ để lao động tốt, để giữ gìn hạnh phúc gia đình và để duy trì nòi giống sinh ra những đứa con thông minh khoẻ mạnh làm tròn trách nhiệm với gia đình và xã hội hiện tại và tương lai đảm bảo sự trường tồn của quốc gia dân tộc.
        Ngôn là hệ thống tín hiệu, âm thanh trong giao tiếp, lời nói dịu dàng, có duyên“Chim khôn hót tiếng rảnh rang, người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”. Ngày nay chữ Ngôn còn đòi hỏi người phụ nữ biết cách nói lịch thiệp, thẳng thắn, trung thực thể hiện được sự năng động, thông minh, có kiến thức, có tri thức và biết phương cách ứng xử“Chim khôn hót tiếng rảnh rang, người khôn chưa nói giang tay đỡ lời”. Trong mối quan hệ gia đình vai trò nuôi dạy con cái người phụ nữ có vị trí đặc biệt làm ảnh hưởng suốt đời đối với người con “Dạy ăn, dạy nói, dạy gói, dạy mở”cho nên cách nói khéo, thông minh cũng phải được trau dồi rèn luyện.

                   Ảnh minh họa (St)

          Hạnh ở đây thể hiện phẩm chất đạo đức của người con gái, người vợ, người mẹ giàu lòng nhân ái phẩm hạnh, vị tha, sống chung thuỷ với chồng. Là tình yêu chân thật và chung thuỷ trong hôn nhân, không lừa dối, không sa vào cuộc sống thấp hèn. Người phụ nữ ngày nay còn phải là một công dân tốt, sống cần kiệm, có ước mơ, có lương tâm nghề nghiệp, biết hy sinh và có lòng độ lượng vị tha. Không những thế họ còn phải có tinh thần trách nhiệm, coi trọng đạo đức lối sống, giữ gìn uy tín đối với cơ quan, đơn vị với gia đình và với bản thân.
          Ngày nay “Công, Dung, Ngôn, Hạnh” của người phụ nữ Việt Nam tỏa sáng luôn được kết chặt hoà quyện với nhau, cái này bổ sung cho cái kia và ngược lại khẳng định sự tiến bộ trong tư tưởng đạo đức của ông cha ta cần phát huy cao độ trong cuộc sống hiện đại, đồng thời được vận dụng sáng tạo trong định hướng phát triển mục tiêu xây dựng gia đình “Ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, bình đẳng” vai trò, vị trí của người phụ nữ luôn là nhân tố quan trọng có ý nghĩa quyết định trong mô hình xây dựng gia đình truyền thống và hiện đại. Vì vậy, những nét đẹp truyền thống xưa của người phụ nữ vẫn là những nhân tố quan trọng được tiếp nối kế thừa, bổ sung và phát huy góp phần làm cho đời sống gia đình, xã hội ngày càng văn minh.

        Ảnh minh họa (St)

          Có thể thấy, xã hội thay đổi, người phụ nữ hôm nay cũng đã khác trước rất nhiều. Quan niệm về “ Tam tòng và tứ đức” có thể hơi xa vời với một số phụ nữ trong thời buổi kinh tế thị trường. Nhưng dù ở thời nào cũng vậy, vai trò của người phụ nữ rất quan trọng trong gia đình và ngoài xã hội. Phụ nữ Việt Nam “giỏi việc nước, đảm việc nhà” tiếp tục vượt qua mọi thành kiến và thử thách, vươn lên đóng góp tích cực vào các hoạt động xã hội, duy trì ảnh hưởng rộng rãi vai trò của mình trên nhiều lĩnh vực như: tham gia quản lý nhà nước; tham gia xóa đói giảm nghèo; xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc; tham gia phòng chống tệ nạn xã hội; thúc đẩy hoạt động đối ngoại nhân dân… Có thể nói, vai trò của phụ nữ Việt Nam được thể hiện ngày càng sâu sắc và có những đóng góp quan trọng trong công cuộc xây dựng đất nước giàu mạnh. Họ có ảnh hưởng to lớn tới hạnh phúc và sự ổn định của gia đình. Là người vợ hiền, họ luôn hiểu chồng, sẵn sàng chia sẻ những ngọt bùi cũng như những đắng cay cùng chồng, khiến người chồng luôn cảm thấy yên tâm trong cuộc sống, từ đó họ có thể đóng góp nhiều hơn cho xã hội. Không chỉ chăm sóc giúp đỡ chồng trong gia đình, người vợ còn đưa ra những lời khuyên thiết thực giúp chồng trong công việc, đóng góp vào thành công trong sự nghiệp của chồng. Là những người mẹ hết lòng vì con cái, họ thực sự là những tấm gương cho con cái noi theo. Người mẹ ngày nay còn là một người bạn lớn luôn ở bên con để hướng dẫn, động viên kịp thời. Bất cứ ai trong chúng ta đều có thể tìm thấy ở những người phụ nữ, người vợ, người mẹ sự yên tĩnh trong tâm hồn và sự cân bằng bình yên trong cuộc sống. Chính họ đã tiếp sức cho chúng ta vượt qua những khó khăn để sống một cuộc sống hữu ích. Và theo tôi, có thể quan niệm “Tam tòng” là hơi khắt khe với những người phụ nữ hiện đại nhưng phẩm chất “ Tứ đức” vẫn rất cần có trong mỗi phụ nữ của mọi thời đại.
 

 

Tác giả: Phạm Thị Mai

Nguồn tin: Tổ Văn- Địa

Tổng số điểm của bài viết là: 31 trong 10 đánh giá

Xếp hạng: 3.1 - 10 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản mới

KH170

Kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2024-2025

Thời gian đăng: 21/05/2024

lượt xem: 353 | lượt tải:316

TB156

Thông báo tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2024-2025

Thời gian đăng: 21/05/2024

lượt xem: 266 | lượt tải:0

63/ KH-THPTMC

Kế hoạch chiến lược phát triển nhà trường giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2030

Thời gian đăng: 30/09/2023

lượt xem: 927 | lượt tải:169

248/ KH-THPTMC

Kế hoạch chiến lược phát triển nhà trường giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2030

Thời gian đăng: 06/02/2023

lượt xem: 1830 | lượt tải:669
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập377
  • Máy chủ tìm kiếm5
  • Khách viếng thăm372
  • Hôm nay52,170
  • Tháng hiện tại1,346,562
  • Tổng lượt truy cập59,628,618
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi