Trường THPT Mường Chà

http://thptmuongcha.edu.vn


KÍ ỨC NGƯỜI TRỞ VỀ!

Thầy Nguyễn Minh Phú

Thầy Nguyễn Minh Phú

Là cựu học sinh, rôi cựu giáo viên của nhà trường, đã chứng kiến những khó khăn, thử thách; cũng như những đổi thay của nhà trường qua từng giai đoạn. Trở lại trường trong ngày hội ngộ, không giấu nổi niềm vui, niềm tự hào, niềm xúc động...
         






      Trở lại trường xưa trong khung cảnh rực rỡ cờ hoa, trong không khí hân hoan, nhộn nhịp chào đón mái trường tròn 30 tuổi,  gợi lại trong tôi biết bao kỉ niệm về một thời cắp sách đến trường, về một thời giáo án với bảng đen là hành trang cuộc sống, là đam mê và nhiệt huyết tuổi trẻ. Trân trọng, tự hào biết bao về một mái trường đầy ắp kỉ niệm.
Trở lại với quá khứ, trở lại với tuổi học trò hồn nhiên và tinh nghịch. Mái trường gốc đa là miền kí ức khó phai nhòa trong tôi, (vừa là cựu học sinh, cựu giáo viên của trường). Ấn tượng đầu tiên của lớp học trò khóa thứ 2 (1986-1989) của chúng tôi là hình ảnh cây đa cổ thụ sừng sững nằm bên bờ suối, tán rộng tỏa bóng che mát cả khoảng lớn sân trường, dưới gốc đa xù xì ấy, nhiều câu chuyện li kì, thần bí được đám học trò chúng tôi  thêu dệt: từ chuyện cây đa có nguồn gốc trên trời; đến chuyện rắn chăn tinh khổng lồ; rồi chuyện thần thánh, ma quỷ trú ngụ nơi đó...nói chung là đủ thứ chuyện trên trời, dưới biển. Những ngày đầu mới thành lập ấy, trường còn khó khăn và thiếu thốn nhiều lắm, dãy nhà được coi là khang trang và kiên cố nhất là khu nhà lớp học được chát vách đất, mái lợp bằng phên tranh phủ giấy dầu. Khu nhà mới này được dựng lên bằng bàn tay lao động, bằng công sức, bằng mồ hôi của cả thầy và trò nhà trường. Hình ảnh thầy: Thái Văn Vinh; thầy Dương Văn Tiến; Thầy Trịnh Đình Quang; Thầy Võ Hồng Kỳ, cô Lã Thị Huyền; Cô Cao Thị Thu; Cô Nguyễn Thái Hợp và nhiều thầy cô khác quần xắn ống, tay cầm cuốc, tay cầm xẻng; người đào đất, người san nền, người trẻ tre, người lấy chít, lao động hăng say quên cả thời gian luôn in đậm mãi trong kí ức của lớp học trò chúng tôi. Dưới bàn tay lao động của thầy và trò, ngôi trường dần đổi thay, vẻ hoang sơ, tiêu điều được thay thế bởi những dãy nhà “khang trang, kiên cố” hơn. Giờ đây, khi nhìn lại những năm tháng cắp sách đến trường, tôi thấy mình thật may mắn vì được học tập, rèn luyện dưới mái trường ấy, được dạy dỗ bởi những người thầy, người cô nhiệt huyết, trách nhiệm luôn hết lòng vì học sinh, vì mái trường và vì sự nghiệp trồng người. Khó khăn thiếu thốn là thế, nhưng trường lúc nào cũng đầy ắp niềm vui, đầy ắp tiếng cười. Chính những năm tháng gian nan ấy, đã cho tôi một hiểu một điều: nghề dạy học cao quý biết bao; hình ảnh thầy cô tận tụy với mái trường, hết lòng vì học sinh trở thành tấm gương mẫu mực, vun đắp thêm ước mơ đến với nghề dạy học của tôi.
Năm 1996 tôi trở về mái trường nơi tôi đã từng học tập, nhưng với cương vị mới: người giáo viên. Cảm xúc thật là khó tả: niềm vui vỡ òa khi được gặp lại thầy cô nhưng xem lẫn là sự hồi hộp và lo lắng. Không hồi hộp và lo lắng sao được khi giờ đây những người thầy, người cô đáng kính năm nào giờ trở thành đồng nghiệp, làm sao cố gắng để tiếp nối và phát huy truyền thống của thầy cô?


 Ảnh: Thầy Nguyễn Minh Phú (bên phải) trong lễ Kỉ niệm 15 năm thành lập trường (1985-2000)

             Ngày ấy, trận lũ khủng khiếp quét qua thị trấn Mường Lay, trường phải chuyển về địa điểm Na Pheo, nay là thị trấn Mường Chà. Mọi thứ lại bắt đầu lại từ đầu. Tôi nhớ như in thời điểm lúc bấy giờ, nhà cửa chưa xây, thiếu phòng học, thiếu bàn ghế; thiếu sách vở, thiếu nước, thiếu điện…; toàn bộ bàn nghế trang thiết bị dạy học đều phải bảo quản bằng nhà bạt của quân đội, các thầy cô giáo vừa phải đảm bảo nhiệm vụ lên lớp hàng ngày, vừa  phải ở trong nhà bạt để trông coi tài sản nhà trường. Nhà trường như một công trường ngổn ngang. Những khi thời tiết thay đổi, trời mưa bùn đất nhão nhoét, lầy lội, học sinh đi lại khó khăn biết bao có khi đất quyện theo chân vào tận lớp học, bục giảng theo bước chân của các em. Gian nan là thế, khó khăn là vậy mà thầy vẫn kiên định, trò vẫn vững tin. Được sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp, các ngành những phòng học mới, nhà làm việc mới được dựng lên. Niềm vui nối tiếp niềm vui khi em Hoàng Hồng Điệp là học sinh đầu tiên của nhà trường đạt giải 3 Quốc gia môn Ngữ Văn và được thẳng vào đại học. Những năm sau đó là rất nhiều học sinh đạt giải Quốc gia môn Lịch sử. Thật vinh dự và tự hào vì đã được đóng góp một phần nhỏ bé của mình vào thành tích 30 năm của nhà trường.


Ảnh: Thầy Võ Hồng Kỳ (trái) và thầy Nguyễn Minh Phú (phải) trong Lễ kết nạp Đảng viên mới

           Về lại trường trong không khí lễ kỉ niệm 30 năm, tôi không giấu nổi niềm vui, niềm tin tưởng trước cơ ngơi khang trang, bề thế của nhà trường và thế hệ các thầy cô giáo trẻ tuổi, năng động, nhiệt huyết. Truyền thống nhà trường đang được viết tiếp bởi những thế hệ hiện tại. Thiết nghĩ, nhà trường cần: Làm tốt giáo dục và phát huy truyền thống, tinh thần vượt khó để tiếp tục dạy tốt, học tốt; cần nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục của nhà trường thông qua việc nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy học; đổi mới kiểm tra, đánh giá và nâng cao ý thức học tập của học sinh; cần giáo dục một cách toàn diện cho học sinh, đó là kết hợp giữa truyền thụ tri thức với giáo dục đạo đức, nhân cách và giáo dục kĩ năng sống; bên cạnh đó nhà trường cần tranh thư sự giúp đỡ, hỗ trợ từ các cơ quan, tổ chức Đảng, chính quyền và toàn xã hội để phục vụ hiệu quả nhiệm vụ giáo dục của nhà trường. Xây dựng nhà trường ngày càng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo.

                                 Tác giảNguyễn Minh Phú, Chủ tịch UBND Huyện Mường Chà
                                                       Nguyên cựu học sinh, cựu giáo viên.


Nguồn tin: thptmuongcha.edu.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây