THPTMUONGCHA

THPT MƯỜNG CHÀ 30 NĂM XÂY DỰNG VÀ TRƯỞNG THÀNH

Vào những năm 1980, cả khu vực Thị xã Lai Châu và huyện Mường Lay chỉ có 1 trường cấp 3 ở thị xã Lai Châu, nhiều học sinh phải đi bộ cả chục cây số từ thị trấn Mường Lay ra thị xã Lai Châu để theo học cấp THPT, nhiều học sinh đã bỏ dở sự nghiệp học hành bởi những trở ngại, khó khăn về khoảng cách địa lí. Con em đồng bào thị trấn Mường Lay khao khát có được mái trường THPT để học tập. Nhằm đáp ứng nhu cầu học tập đó, UBND tỉnh, Sở Giáo dục Lai Châu (nay là tỉnh Điện Biên) đã ra quyết định số 148/QĐ-UBND ngày 25/6/1985 thành lập trường phổ thông cấp 2+3 (nay là trường THPT Mường Chà) tại địa điểm thị trấn Mường Lay, cách thị xã Lai Châu khoảng 10km. Khi mới thành lập trường có 10 lớp với 310 học sinh trong đó có: 198 học sinh cấp THCS, 112 học sinh cấp THPT.
Ngược dòng lịch sử trở về với những ngày đầu mới thành lập, trường gặp rất nhiều khó khăn: nguồn ngân sách được cấp vỏn vẹn có năm mươi ngàn đồng, thiếu phòng học, thiếu bàn ghế, thiếu sách vở. Điều kiện sinh hoạt và học tập của thầy cô và học sinh vô cùng thiếu thốn. Khi ấy thầy Thái Văn Vinh, Hiệu trưởng đầu tiên của nhà trường, đã cùng với thầy và trò nhà trường thực hiện tốt hai nhiệm vụ: dạy học và xây dựng, kiến thiết. Thời điểm đó khu trường là một công trường đang thi công ngổn ngang  đất, đá...Ngoài giờ lên lớp, thầy trò người thì lên rừng chặt tre, đốn nứa dựng cột, đan phên;  người ở nhà cuốc xẻng đào đất, san sân. Ngày ấy, cơ sở vật chất tuy có thiếu thốn, nhiệm vụ dạy và học tuy còn những khó khăn nhưng không khí học tập vẫn sôi nổi, khí thế lao động vẫn hăng say, trường luôn đầy ắp tiếng cười hào hứng, phấn khởi. Thế hệ học sinh đầu tiên của nhà trường hẳn còn nhớ rất rõ hình ảnh thân thuộc của những thầy cô ngày ấy,  họ đã từ biệt quê hương, miền xuôi thuận lợi để lên với miền Tây Bắc xa xôi còn nhiều gian khổ, họ ra đi mang theo sức trẻ, khát khao cống hiến, tình nguyện gắn bó, cống hiến cho mảnh đất, con người Mường Lay như duyên phận đã ngầm định ....những người thầy, người cô ấy khi lên lớp thì cầm bút, cầm phấn, say sưa với bài giảng; khi hết giờ thì tranh thủ lao động, xắn quần, xắn áo, tay cầm cuốc, tay cầm xẻng góp công xây trường, dựng lớp.
Cứ  thế ngày này qua ngày khác, tháng nọ nối tháng kia nhà trường đã có thêm phòng làm việc và lớp học được trát vách đất, thưng cót, mái lợp bằng phên nứa phủ giấy dầu. Một ngôi trường được dựng lên như thế đó: bằng khối óc tập thể, bằng bàn tay lao động, bằng mồ hôi công sức, bằng nhiệt huyết sục sôi, bằng tình thầy trò sâu nặng và cả niềm lạc quan phơi phới. Nhiều năm sau, công cuộc xây dựng trường vẫn tiếp tục. Cả thầy và trò đều hăng say lao động: nào  lấy chít, lấy lau, nào đào đất, nào đóng gạch đốt lò, tất cả đều hối hả, đều thuần thục như những công nhân thực thụ. Khí thế học tập, thi đua, lao động luôn khẩn trương, sôi nổi, hào hứng. Đúng là:
                                   Chân dẫm bùn rơm mà không biết mỏi
                                 Trát vách dựng nhà, trò thêm trường mới.
Trong thung lũng được bao bọc bởi núi đá, bởi màu xanh của núi rừng, bởi âm thanh róc rách của dòng suối hiền hòa đang uốn mình mềm mại qua những thửa ruộng mướt xanh, thoảng thoảng hương lúa đương trổ đòng. Ngôi trường phổ thông cấp 2-3 Mường Lay hiện ra khang trang và vững chãi- vững chãi như tán đa cổ thụ vươn tán tỏa bóng mát cho trường, vững chãi như ý chí, tinh thần, tình cảm của những con người nơi đây.
1
Ảnh: Thầy và trò lao động cùng xây trường, dựng lớp (Những năm 1985-1989)

Sau vài năm học, do những yêu cầu của sự nghiệp giáo dục. Tháng 9 năm 1989 trường được chia tách và đổi tên thành trường phổ thông trung học huyện Mường Lay. Đến tháng 8 năm 1993 trường lại sát nhập với trường cấp II thị trấn Mường Lay và mang tên trường phổ thông cấp II-III Mường Lay. Tháng 12 năm 2000 trường lại đổi tên thành trường THPT Mường Lay. Tháng 9 năm 2005 do tách tỉnh theo địa giới hành chính mới, trường THPT Mường Lay đổi tên thành trường THPT Mường Chà từ đó đến nay. Vậy là, qua  30 năm xây dựng và phát triển  nhà trường đã có 4 thời hiệu trưởng, 3 lần di chuyển địa điểm trường và 4 lần đổi tên trường.
2
Ảnh: Trường Phổ thông cấp 2,3 Mường Lay những ngày đầu thành lập

Cứ mỗi lần chia tách, thay đổi địa điểm là thầy và trò nhà trường đều phải đối mặt với những khó khăn, thử thách mới. Lần chia tách đầu tiên vào năm 1989. khi đó quy mô lớp học và só học sinh đều giảm. Năm học 1990-1991 trường chỉ còn 3 lớp với 58 học sinh, cơ sở vật chất đang dần xuống cấp. Hoàn cảnh như muốn thử thách lòng người. Thấu hiểu với sự khó khăn, thiếu thốn của nhà trường, Sở GD&ĐT cùng các cấp, các ngành đã chung tay chia sẻ và tháo gỡ. Năm 1990 nhà trường  được đầu tư xây dựng một dãy nhà 2 tầng gồm 6 phòng học do xí nghiệp xây dựng  tư nhân số 1 Lai Châu, nay là doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên xây dựng, bằng nguồn vốn Xổ số kiến thiết tỉnh Lai Châu, đây là công trình sản phẩm đầu tiên của nhà doanh nhân Lê Thanh Thản,  hiện nay ông là một trong những doanh nhân hàng đầu trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản và khách sạn trong cả nước. Dãy nhà mới xây đã hiện thực hóa niềm mơ ước bấy lâu nay của thầy và trò nhà trường là được học tập trong phòng học khang trang, kiên cố.
3
Ảnh: Hội trại kỉ niệm 10 năm thành lập
Những ngày tháng khó khăn nhất phải kể đến đó là thời điểm chạy lũ, chuyển trường vào tháng 4 năm 1997. Trận lũ quét vào năm 1996 đã để lại hậu quả khủng khiếp cho nhân dân Mường Lay nói chung và thầy trò nhà trường nói riêng. Thời điểm đó, thị trấn Mường Lay tan hoang, đổ nát, khung cảnh ngổn ngang đầy đất đá, bùn nhão. Đường xá, cầu cống, ruộng vườn, nhà cửa,  trường lớp bị vùi lấp, bị cuốn phăng theo dòng nước đất, đá hung bạo. Nhưng cây đa vẫn còn đó sừng sững như chứng tích lịch sử, những tấm lòng nhiệt huyết yêu trẻ vẫn còn đó; niềm khát khao học tập vẫn đang bừng cháy. Không đầu hàng trước sự nghiệt ngã của thiên tai, thầy và trò nhà trường lại chuẩn bị cho chiến dịch di chuyển lớn nhất từ trước đến nay. Trường phải chuyển về địa điểm mới là khu vực Na Pheo, mọi thứ bắt đầu lại từ đầu, khó khăn chồng chất khó khăn: thiếu phòng học, bàn ghế, sách vở; điện, nước.... Những gì còn lại sau trận lũ, thầy cô và học sinh đều nhặt nhạnh để tận dụng và chuyển đi hết: từng bộ bàn ghế, từng quyển sách, quyển vở, từng cái thước kẻ, viên phấn, mẩu bút chì.... Ban đầu trường là khu nhà tạm, nhà bạt, ngổn ngang đất đá như công trường đang khai thác. Những khi thời tiết thay đổi, trời mưa bùn đất nhão nhoét, lầy lội, học sinh đi lại khó khăn có khi bùn đất quyện theo bước chân của các em vào tận lớp học. Thời gian sau, dưới sự giúp đỡ của các cấp, các ngành, dưới bàn tay lao động của thầy cô và học sinh những gian nhà gỗ, nhà tocxi được dựng lên; sau đó trường được đầu tư xây dựng thành ngôi trường khang trang, bề thế, vững chãi tọa lạc trên vị trí giữa thị trấn Mường Chà thỏa niềm mong ước của thầy cô và biết bao thế hệ học trò.
4
Ảnh: Nhà trường hiện nay
5
Ảnh: Nhà trường hiện nay
Hiện nay nhà trường đã có cơ sở vật chất đảm bảo phục vụ cho việc dạy và học: một khu nhà làm việc, hai khu lớp học được xây dựng kiên cố với 19 phòng học, có các phòng học bộ môn, phòng chức năng, thư viện, sân chơi, 01 khu nhà nội trú với 30 phòng ở cho  học sinh, 1 khu nhà công vụ cho giáo viên. Trường THPT Mường Chà hôm nay đã chuyển mình một cách mạnh mẽ. Nhà trường đang trở thành một cơ sở giáo dục uy tín, tin cậy cho con em đồng bào các dân tộc vùng cao
Qua 30 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển, đã có gần 3000 lượt học sinh tốt nghiệp ra trường; đã có biết bao thế hệ học sinh được học tập, rèn luyện, trưởng thành từ mái trường này. Họ trở thành những nhà khoa học giỏi; nhà quản lí giỏi; nhà lãnh đạo tài năng; các kĩ sư, bác sĩ; những nhà giáo mẫu mực: tiêu biểu như những học sinh: Hoàng Xuân Chiến, Giám đốc TT phòng chống các bệnh xã hội ĐB; Nguyễn Minh Phú chủ tịch UBND huyện Mường Chà... có những học sinh đã trở thành những tấm gương sáng về tinh thần hiếu học về ý chí, nghị lực biết vượt lên hoàn cảnh để đạt được thành tích cao như học sinh: Hà Hồng Điệp đạt giải 3 quốc gia môn Ngữ văn và nhiều học sinh đạt giải 3, giải khuyến khích  quốc gia môn Lịch sử, đây là thành quả xứng đáng của thầy và trò nhà trường trong nhiều năm cố gắng, nỗ lực không mệt mỏi.  
Bên cạnh đó là thành tích  đáng tự hào về việc huy động học sinh đến lớp. Năm học đầu tiên khi trường chuyển về địa điểm mới (năm học 1997-1998), cả trường có 307 em, học sinh cấp THPT là 89, trong đó chỉ có 4 em là học sinh người dân tộc Mông. Con số đó quả là quá ít với một nhà trường đóng trên địa bàn mà phần đông là người dân tộc Mông đang sinh sống. 30 năm sau, năm học 2014-2015 trường THPT Mường Chà có 805 Học sinh cấp THPT, trong đó học sinh dân tộc là 688=85%, số học sinh là người dân tộc Mông đã là 608 chiếm gần 90% HS dân tộc.  Được học tập và rèn luyện tại mái trường THPT Mường Chà, nhiều thế hệ học sinh người dân tộc đã trưởng thành và thành đạt. Có thể kể đến những tấm gương học sinh tiêu biểu như: Thùng Văn Siêng, Bí thư Huyện ủy Nậm Pồ; Hạng A Ly, Phó chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ; Lò Văn Thương, Phó tổng Giám đốc công ty cổ phần cao su Lai Châu...
Còn rất nhiều, rất nhiều những học sinh tiêu biểu nữa, những con người trưởng thành từ mái trường THPT Mường Chà đã và đang cống hiến tài năng, trí tuệ, công sức cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Vậy là gian nan thử sức người, bài học về khó khăn thứ thách ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường đã trở thành cẩm nang cuộc sống quý báu cho nhiều thế hệ học sinh. Tự hào biết bao về một mái trường giàu truyền thống; về những nhà giáo luôn biết vượt lên mọi khó khăn để hoàn thành sứ mệnh giáo dục cao cả; về những thế hệ học trò biết chắt chiu thời gian, biết quý trọng công sức để tu rèn tài đức.
6
Ảnh: 30 năm ngày hội ngộ
7
Ảnh: 30 năm ngày hội ngộ
 
8
Ảnh: Lễ kỉ niệm 30 năm thành lập trường 1985-2015
 
9
Ảnh: Lễ kỉ niệm 30 năm thành lập trường 1985-2015

Nhìn lại 30 năm, chúng ta cũng thật tự hào với những con người đã và đang thực hiện nhiệm vụ trồng người thiêng liêng và cao cả nơi đây. Trải qua 30 năm có 209 nhà giáo đã và đang công tác tại mái trường này. Nhiều nhà giáo nay đã nghỉ hưu hoặc chuyển sang lĩnh vực công tác khác nhưng chính họ đã là người đặt những viên gạch đầu tiên cho nền móng giáo dục vững chắc. Nhiều nhà giáo đã gắn bó, đã cống hiến nhiệt huyết cả tuổi trẻ, tuổi thanh xuân cho ngôi trường này như thầy Thái Văn Vinh; thầy Dương Văn Tiến; Cô Cao Thị Kim Thu; thầy Võ Hồng Kỳ; cô Đặng Thị Kim Liên...biết bao mồ hôi đã đổ xuống, biết bao công sức đã bỏ ra; biết bao đêm trăn trở, thao thức, miệt mài bên trang giáo án vì học sinh, vì mái trường thân yêu. Thật trân trọng và khâm phục với những con người như thế! Trưởng thành từ mái trường này, đã có nhiều nhà giáo thành công trong công tác mới và cũng thật tình cờ biết bao khi những nhà giáo có khi là những cựu học sinh; là những cặp vợ chồng nhà giáo; là những gia đình nhà giáo mà cả cha và con đều đóng góp cho trường... và còn rất nhiều, rất nhiều nhà giáo khác đã đóng góp công sức để xây dựng lên truyền thống nhà trường THPT Mường Chà. Hôm nay trong ngày hội ngộ vô cùng ý nghĩa này, xin được thay mặt cho các thầy cô giáo, cán bộ, viên chức và học sinh toàn trường bày tỏ niềm tri ân sâu sắc tới thế hệ các nhà giáo đã từng công tác tại trường qua các thời kì, thành quả nhà trường hôm nay có được xuất phát từ những tháng ngày gắn bó, lao động miệt mài của những thế hệ đi trước.
Kính thưa quý vị đại biểu, quý vị khách quý, quý thầy cô
Các em Học sinh thân mến
Trường THPT Mường Chà hôm nay là môi trường học tập lý tưởng cho con em đồng bào các dân tộc trong Huyện. Trong những năm qua khắc phục mọi khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên. Trường THPT Mường Chà đã đạt được nhiều thành tích trên tất cả các lĩnh vực, nhất là phong trào thi đua dạy tốt, học tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Những thành tích tiêu biểu nhà trường đạt được trong 2 năm gần đây: Về đội ngũ nhà giáo: 100% giáo viên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên liên tục được nâng lên. Nhà trường có 1 chi bộ Đảng với 18 đảng viên, nhiều năm liền đạt danh hiệu Chi bộ đảng trong sạch, vững mạnh, các tổ chức đoàn thể: Công đoàn và Đoàn thanh niên đã làm tốt nhiệm vụ được giao tạo môi trường sư phạm đoàn kết, cởi mở, dân chủ và thân thiện. Chất lượng giáo dục toàn diện được giữ vững ổn định. Tỷ lệ học sinh xếp loại Khá, Giỏi  bình quân hàng năm đạt 20%; Tỷ lệ học sinh lên lớp thẳng đạt 85%; Tỷ lệ học sinh thi đỗ tốt nghiệp THPT  bình quân đạt 90 %; Học sinh thi đỗ vào các trường Đại học, Cao đẳng và Tỷ lệ học sinh được đi học, phát triển sau tốt nghiệp trong từng năm học đã tăng đáng kể đứng trong tốp đầu của các trường THPT toàn tỉnh; chất lượng đạo đức khá tốt hàng năm là 91%.  Với thành tích đó, hai năm học gần đây  trường đều đạt đanh hiệu Tập thể lao động xuất sắc. Nhiều tập thể và cá nhân được các cấp khen thưởng. Những thành tích đó là thành quả xứng đáng cho những cố gắng, nỗ lực không ngừng nghỉ của thầy và trò nhà trường trong những năm gần đây, là sự kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của thế hệ đi trước.
10
Ảnh: Thế hệ học sinh hôm nay
 
11
Ảnh: Thế hệ học sinh hôm nay
Có được những thành tích vẻ vang như vậy là bởi trong những năm qua nhà trường luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp; sự chỉ đạo thường xuyên, sát sao của Sở Giáo dục và Đào tạo Lai Châu, nay là Sở GD&ĐT Điện Biên, sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Mường Chà, sự giúp đỡ, ủng hộ của các Sở, ban ngành,; sự nỗ lực đoàn kết, chung sức đồng lòng của tập thể giáo viên, cán bộ công nhân viên và học sinh trong toàn trường. Bên cạnh đó là tinh thần phát huy nội lực: sự lãnh đạo của chi bộ, BGH nhà trường đặc biệt là của trí tuệ tập thể, sự đoàn kết, đồng lòng, chung sức của tập thể giáo viên và các thế hệ học sinh. Trong buổi lễ trang trọng này xin chân thành cảm ơn sự quan tâm, lãnh đạo, tạo điều kiện của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban ngành với trường được chân thành cảm ơn công lao đóng góp to lớn của các thầy cô giáo, CB – CNV và các thế hệ học sinh.
12
Ảnh: THPT Mường Chà căng tràn sức sống
Trong thời gian tới, để tiếp tục phát huy truyền thống giáo dục vẻ vang, thế hệ cán bộ, giáo viên và học sinh của nhà trường hôm nay đã xác định rõ và quyết tâm thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm: duy trì quy mô và số lượng học sinh; tiếp tục ổn định và nâng cao chất lượng giáo dục, dựa trên nền tảng nâng cao chất lượng đội ngũ, kết hợp đẩy mạnh đổi mới phương pháp giáo dục, đổi mới kiểm tra đánh giá. Kết hợp hài hòa giữa giáo dục đạo đức, nhân cách, giáo dục kĩ năng sống gắn liền với giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, để đào tạo những thế hệ học sinh có tri thức, có đạo đức, có kĩ năng, biết cách sống, biết cách làm việc tích cực góp phần xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp.
Vậy là một chặng đường vẻ vang đã được thế hệ các nhà giáo và thế hệ học sinh xây đắp nên, những sóng gió, thử thách không ngăn được bước chân vững chãi của những tấm lòng luôn rạo rực cống hiến, con thuyền mà những người thầy người cô năm xưa chèo lái, giờ đang căng buồm lướt sóng. Làm sao để cho xứng đáng với thế hệ cha anh? Là động lực thôi thúc những con người đang công tác và học tập dưới mà trường THPT Mường Chà phải cố gắng, nỗ lực hơn thế nữa. Với đội ngũ các cán bộ giáo viên năng động, tâm huyết, giàu trí tuệ; cùng sự chủ động, sáng tạo, ham học của học sinh, chúng ta hoàn toàn tin tưởng rằng trường Trung học phổ thông Mường Chà sẽ sớm hoàn thành mục tiêu đạt trường Chuẩn Quốc gia vào năm 2016, luôn là địa chỉ giáo dục tin cậy của con em các dân tộc huyện Mường Chà, xứng đáng là ngọn lửa thắp sáng những bản làng vùng cao.
               
QUY MÔ HỌC SINH QUA TỪNG THỜI KÌ
TT Năm học Số lớp TS Học sinh Trong đó
THCS THPT
1 1985-1986 10 310 198 112
2 1990-1991 3 58 0 58
3 1995-1996 11 404 278 162
4 2000-2001 14 487 309 178
5 2005-2006 14 546 0 546
6 2010-2011 19 649 0 649
7 2013-2014 23 831 0 831
          
DANH SÁCH CÁC HIỆU TRƯỞNG QUA CÁC THỜI KÌ
 
1.     Thái Văn Vinh (Hiệu trưởng từ 1985-1992)
2.     Dương Văn Tiến (Hiệu trưởng từ 1992-1996)
3.     Võ Hồng Kỳ (Hiệu trưởng từ 1996- 2008)
4.     Đặng Kim Liên (Hiệu trưởng từ 2008 đến nay)
 
 
Văn bản mới

63/ KH-THPTMC

Kế hoạch chiến lược phát triển nhà trường giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2030

Thời gian đăng: 30/09/2023

lượt xem: 590 | lượt tải:44

248/ KH-THPTMC

Kế hoạch chiến lược phát triển nhà trường giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2030

Thời gian đăng: 06/02/2023

lượt xem: 1447 | lượt tải:322
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập49
  • Máy chủ tìm kiếm4
  • Khách viếng thăm45
  • Hôm nay5,400
  • Tháng hiện tại198,547
  • Tổng lượt truy cập33,722,659
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi